Chưa bao giờ là quá muộn để nỗ lực

Chưa bao giờ là quá muộn để nỗ lực

CHƯA BAO GIỜ LÀ QUÁ MUỘN ĐỂ NỖ LỰC

Vào một buổi tối trời mưa và lạnh cách đây 2 tuần, tôi đã không vì sự ấm áp trong chăn quyến rũ mà bỏ tham gia một lớp học cực kì đặc biệt, ít nhất là với tôi. Đến nơi, gặp thầy, nghe thầy giảng, tôi mới thấy quyết định của mình là hoàn toàn đúng, thế giới bên ngoài thật sự rộng lớn hơn tôi tưởng rất nhiều, thực sự có vô số người giỏi , điển hình là người đang đứng trước mặt tôi này.

Biết đến thầy qua một bài báo, tôi đã ngay lập tức hâm mộ nhân vật này, không hẳn vì thầy là giảng viên của ĐHQGHN , không hẳn vì thầy được học bổng Fullbright của Mỹ, cũng không phải  được 18 trường đại học của Mỹ nhận vào học. Nó xuất phát từ cảm xúc khi tôi được đọc, được nghe về sự nỗ lực của thầy. Nhìn lại quãng đường học vấn đầy kì tích ấy, tôi không khỏi liên tưởng đến Adam Khoo, người mà tôi đã từng quyết tâm phải gặp một lần trong đời. Thầy giáo của tôi thực sự khiến người khác, những người cùng trang lứa với thầy phải ngạc nhiên thực sự, bố mẹ thầy cũng cho rằng đó là kì tích, là sự thức tỉnh kịp thời của đứa con nghịch ngợm.

Thầy là Nguyễn Bá Trường Giang, hiện đang là chuyên gia cao cấp của Ngân hàng Việt Nam Thịnh vượng (VPBank). Trước đó, thầy là giảng viên khoa Ngôn ngữ, văn hóa Anh- Mỹ, ĐHNN-ĐHQGHN, làm cố vấn pháp luật cao cấp tại hãng luật Baker & McKenzie, giám đốc Pháp luật tại Tập đoàn Thiên Minh. Những thành tựu mà thầy đạt được thật sự khó mà ngờ được nếu chỉ nhìn và thành tích học tập hồi phổ thông.

Thầy Giang 1

Thầy chia sẻ

“Thôi con ạ, con học dốt thế này, suốt ngày lêu lổng, học võ, đánh nhau, tụ tập thì chẳng hy vọng gì đâu”, mẹ đã nói như vậy cách đây đúng 24 năm, khi tôi học lớp 9.

“May mắn đỗ vào cấp 3, tôi vẫn tiếp tục… đánh nhau, đốt pháo, nhiều lần bị đuổi học. Năm lớp 11, người bạn thân rủ tôi đi học tiếng Anh để bố cậu ta xin cho vào làm khách sạn. Cuộc đời cậu bé ngỗ ngược bắt đầu thay đổi từ đó.

Tôi và bạn đạp xe đến trung tâm tiếng Anh học giáo trình Streamline A. Hôm đầu vào lớp, nghe thầy nói tiếng Anh, tôi choáng lắm.

Bố mẹ rất vui vì 16 năm qua mới thấy con tôi học. Bố ra trường Sư phạm Ngoại ngữ mua cho băng cát-xét giáo trình Streamline A, B, C. Tôi nghe 1 tháng hết cả ba giáo trình. Chị tôi học trong Nam ra, mang cho cuốn từ điển bé xíu, tôi tra nát cả từ điển, đánh dấu nguệch ngoạc.

Học hết cấp 3, tôi thi đỗ hai trường đại học với điểm khá cao khiến người thân và bè bạn đều ngỡ ngàng. Ai cũng biết đến năm lớp 11, tiếng Anh của tôi chỉ 3,9, đến lớp 12 đã là 8,9.”

Sau đó, thầy đã đỗ 2 trường đại học với số điểm cao. Khi tốt nghiệp, thầy ở lại làm giảng viên cho ĐHNN. Từ đây, con đường xuất ngoại được ấp ủ bao lâu đã được thầy tiến hành thực hiện. Có gian nan vất vả, nhưng rồi: “Tôi giành học bổng Fulbright trong sự vui mừng của gia đình và bạn bè. Sau một năm chuẩn bị, tôi được nhận vào trường Cornell, một trong 8 đại học thuộc nhóm Ivy-League (Havard, Yale, Princeton, Cornell, Dartmouth, Brown, Colombia, Pennsylvania), các trường này có chất lượng giáo dục rất tốt.”

Đây chính là những thành quả chính đáng mà thầy đáng được nhận. Đằng sau những lớp gai luôn luôn là trái ngọt, đằng sau những nỗ lực, những khó khăn luôn luôn là thành quả được gặt hái.

Câu chuyện của thầy đã truyền cảm hứng cho rất rất nhiều thế hệ. Học sinh, sinh viên thì lấy đó làm tấm gương mà phấn đấu. Những người làm bố làm mẹ thì lấy đó mà dạy bảo con cái, hướng con đến sự phấn đấu nỗ lực, không bao giờ từ bỏ.

Thầy Giang 2

Thầy Giang trong ngày lễ tốt nghiệp trường Cornell

Sau hôm gặp thầy, tôi đã thực sự rất ấn tượng, một người thầy hiền, với kiến thức rộng lớn được truyền tải qua giọng giảng ấm áp. Những gì mà thầy đã đi qua, thầy kể lại cho chúng tôi, nó không giống như câu chuyện cổ tích với gian nan được kể bằng mấy trang giấy. Để có được cái kết có hậu, câu chuyện của thầy được dệt bằng rất nhiều sợi tầm gai và rào cản. Nhưng quan trọng gì chứ, quan trọng qua những đau đớn vất vả, cái ta nhận được còn xứng đáng, còn tuyệt vời hơn gấp ngàn lần.

Tôi muốn chia sẻ câu chuyện này đến mọi người, cũng chỉ mong sẽ không ai vì quãng đường không đẹp phía trước mà tiếp tục gục ngã ở phía sau. Hãy đứng dậy, hãy tìm cho mình một đam mê mà tiếp tục bước. Dẫu nhiều khó khăn, nhưng vẫn là câu nói đó, phía sau đau đớn luôn là những trái thơm.

Mọi người khó thể đọc thêm về chia sẻ của thầy Giang tại đây: Những câu chuyện về thầy Giang

Thanh Tuyết