Chưa đầy một năm kể từ ngày thành lập, VHV đã xây dựng và duy trì liên tục các lớp học tại 2 thành phố lớn: 4 cơ sở tại thành phố Hồ Chí Minh và 5 Cơ sở Hà Nội trong đó đã có 1 lớp học được tốt nghiệp. Sự thành công ấy ghi dấu những nổ lực đáng kể của các bạn tình nguyện viên. Mỗi thành phố có một trưởng nhóm, mỗi 1 điều phối viên phụ trách 1 cơ sở. Các thành viên trong nhóm thường xuyên trao đổi, học tập và kết nối lẫn nhau. Khi được hỏi, động lực nào giúp các bạn muốn trở thành một giáo viên tình nguyện, một cách chân thật và không cần suy nghĩ đó chính là ý nghĩa cuộc sống, niềm vui từ các em nhỏ và niềm yêu thích đối với thứ ngôn ngữ toàn cầu.
Chung Mi –cô gái sinh năm 1992 được mọi người gọi bằng cái tên thân mật Mi Heo, hiện đang là trưởng nhóm Teaching Hồ Chí Minh chia sẻ: “Mỗi lần đi dạy là lại được thấy nụ cười sáng bừng, ánh mắt trong trẻo, gương mặt hồn nhiên vô ưu vô lo của tụi học sinh, thấy lòng thật sự ấm áp, nó xoa dịu hết những khó khăn mệt nhọc trong công việc tất bật cơm áo mỗi ngày của mình. Đặc biệt là khi dạy các em, biết và hiểu thêm gia cảnh mỗi đứa, đứa nào cũng có hoàn cảnh khó khăn riêng, những khó khăn mình trải qua thật chẳng đáng gì để than thở, rồi tự nhủ, mình còn trẻ cần phải sống hết mình với tuổi trẻ, thời gian của mình phải thật sự hữu ích và ý nghĩa. Tuổi trẻ chỉ có một. Tại sao không chứ?!”
Các bạn tình nguyện viên và học sinh lớp Phú Nhuận – cơ sở Hồ Chí Minh
Kim Ngân – trưởng nhóm teach HN, là sinh viên năm 3 trường Ngoại Thương Hà Nội thật thà đáp: “thực ra thì mình chưa bao giờ có ý định làm cô giáo hay là giáo viên tình nguyện. Chỉ là mình tình cờ và may mắn biết đến dự án VHV và thấy nó rất ý nghĩa, thế là tham gia thôi. Mình đăng kí vào nhóm teaching vì đây là nhóm mà mình thấy mình bớt vô dụng nhất trong tất cả các nhóm. Rồi thì đi dạy, đến lớp chơi với lũ trẻ và tự nhiên thấy thích được gặp chúng nó hàng tuần”
Châu Đỗ – giáo viên Q.7, đã từng đi du học, có gia đình với 1 bé trai 3 tuổi vẫn đến lớp đúng lịch: “Động lực của mình khi tham gia làm giáo viên tình nguyện là con của mình. Mình hiểu muốn dạy con điều gì thì cha mẹ phải làm gương trước. VD: dạy con gọn gàng, cha mẹ phải ngăn nắp trước. Dạy con bỏ rác, cha mẹ phải không vứt rác bừa bãi. Dạy con thích đọc sách, cha mẹ phải thường xuyên đọc sách. Và vì mình muốn con là người tốt, muốn con sau này làm gì có ích cho xã hội, nên mình đăng ký làm tình nguyện dạy học trước.”
Lớp học vui nhộn tại cơ sở 3 – Hà Nội trong dịp Tết Trung Thu
Ngân Trà – một nhân viên văn phòng 27 tuổi tại tp.HCM: “Ồ, Trà muốn trở thành 1 giáo viên tình nguyện vì muốn đóng góp 1 phần nhỏ cho xã hội bằng cách truyền cảm hứng học tiếng Anh cho các em nhỏ kém may mắn. Muốn mở rộng, bước ra khỏi “vùng an toàn” (comfort zone) của chính mình để gặp gỡ, học hỏi những bạn trẻ đầy nhiệt huyết cũng như hiểu rõ hơn về bản thân mình.”
Phạm Quỳnh Nga – Sinh viên năm cuối, hiện đang là điều phối viên cơ sở Hà Nội: “Thực ra lúc đầu đến với VHV, mình không có nghĩ quá nhiều đâu. Thứ nhất, cảm thấy dự án này khác với nhiều dự án mình từng biết trước đó. Cũng là dạy học cho trẻ nhưng dự án của vhv đề cao khả năng giao tiếp của học sinh và còn có chương trình trao đổi tình nguyện viên nước ngoài. Dù thời gian đầu khá nhiều trục trặc, lớp học không ổn định nhưng càng đến lớp, mình càng yêu quý các em nhỏ hơn. Muốn dùng vốn tiếng Anh để giúp các em. Và đến tận bây giờ, mình vẫn giữ quan điểm đó và vẫn tiếp tục hỗ trợ VHV. Học tiếng Anh không bao giờ thừa, và trẻ em nghèo hiện chẳng “thiếu”.
Hình ảnh từ lớp học VHV tại Hà Nội với sự tham gia của tình nguyện viên nước ngoài
Dù là Hà Nội hay HCM, là đi làm hay đi học, đã có gia đình hay chưa, các thành viên VHV vẫn nung nấu trong mình một tình cảm và ý thức đối với việc dạy học tiếng Anh cho trẻ em Việt Nam “Mầm xanh hôm nay, tương lai của đất nước”. Điều mà VHV truyền tải không dừng ở việc giảng dạy tiếng Anh, ấy còn là một ý thức hệ và sức lan tỏa của cộng đồng.
Kiều Gấu