“Chiến thắng vĩ đại nhất (và nên là đầu tiên) phải là chiến thắng chính bản thân mình.” – Plato
“Chinh phục một kẻ thù là bản thân, tốt hơn thắng vạn kẻ thù ngoài mặt trận.” – Buddha
Các cổ nhân, ai cũng bảo là phải chiến thắng bản thân trước tiên. Bạn có thể thua nhiều người, nhưng đừng để thua chính bản thân mình. Nhưng vấn đề: chiến thắng bản thân là chiến thắng cái gì ? Để thua bản thân là để thua ai ? Cái anh họ “bản” tên “thân” này thật bí hiểm. Thật là khó để bắn trúng đích nếu chẳng nhìn thấy đích, nên hãy cùng nhau thảo luận và nhận diện ra những kẻ thù luôn muốn chúng ta thua cuộc nhé ! Dưới đây là 5 kẻ thù mà tôi phải chiến đầu với chúng mỗi ngày. Hi vọng những kinh nghiệm này có thể giúp được bạn !
#1 – SỰ THAM LAM, ÍCH KỶ
Những đứa bé chẳng bao giờ tiết kiệm nụ cười hay sự tò mò, song mầm mống của tham lam bắt đầu nảy sinh khi chúng có trong tay món đồ chơi đẹp đầu tiên. Và khi lớn lên, người ta bắt đầu tham tiền, rồi tới những thứ to tát hơn như khai thác tài nguyên, chặt cây phá rừng.. Thiên nhiên rất công bằng, khi lấy một cái gì đó từ thiên nhiên, thiên nhiên sẽ lấy lại của ta thứ tương ứng. Chặt phá rừng để làm nhà, sau đó ít lâu lũ quét bay nhà. Rồi nhiều người đổi sức trẻ để kiếm tiền, sau đó về già lại lấy tiền đó đi mua lại sức khỏe….
“Cách tốt nhất để đạt được thứ bạn muốn, là giúp càng nhiều người càng tốt đạt được thứ họ muốn.” – Zig Ziglar
Sự tham lam sẽ kéo con người ta vào một vòng xoáy vô cùng tận. Do vậy, đừng để kẻ thù này chi phối. Hãy cho đi trước tiên, và thiên nhiên luôn trả lại cho bạn những điều tuyệt vời. Thay vì ngồi đau đầu nghĩ xem “Mình thực sự muốn gì nhỉ?” – Sao không xem “Mọi người muốn gì và mình có thể làm gì giúp họ?”
#2 – SỰ PHÂN VÂN, NGHI NGỜ
Đứng núi này trông núi nọ, đào giếng chưa thấy nước đã vội đào chỗ khác, nhảy hết từ việc này sang việc khác mà chẳng việc nào tới nơi tới chốn… đều là biểu hiện của sự phân vân từ bên trong, là biểu hiện của sự nghi ngờ chính bản thân mình. Hãy nhớ trên con đường tới đích, cứ mỗi phút bạn nghi ngờ, là bạn mất đi 60 giây để đi nhanh hơn và biết xem đích đó có đúng là nơi muốn đến hay không. Nếu muốn đi đường khác, hãy chọn nó ngay từ đầu, chứ đừng đi hơn nửa đường rồi quay lại!
Do đó, một khi đã nhìn ra con đường mà bạn cho là đúng, hãy cứ tin tưởng và đi hết. Nếu chẳng may đi sai đường, thì ít nhất bạn cũng luyện được thói quen “đi tới cùng”. Đó mới là phẩm chất quan trọng, giúp bạn thành công trong bất cứ lĩnh vực nào.
#3 – SỰ SỐT RUỘT, BỒN CHỒN
Bạn nhớ câu chuyện về hạt đậu thần chứ? Một hạt đậu ném xuống đất, thêm một chút nước là mọc thành cây giúp ta leo lên tận trời xanh (và đụng độ với người khổng lồ). Có lẽ câu chuyện tuổi thơ ấy đã ảnh hưởng tới tiềm thức của con người ta, nên ai cũng mắc bệnh sốt ruột thì phải. Sự thật là càng sốt ruột, càng nôn nóng, bạn lại càng mất nhiều thời gian hơn đấy. Tôi đã thấy nhiều bạn trẻ mong muốn “kiếm tiền nhanh” mà có những quyết định không sáng suốt chút nào, để rồi cuối cùng lại phải đánh đổi thời gian để đi sửa chữa lỗi lầm.
Hãy nhớ: Những hạt giống thần kỳ chỉ có trong truyện cổ tích (và Đô-rê-mon), chứ thực tế phải mất bao công chăm sóc mới mọc thành cây. Do đó, hãy luyện tập sự kiên trì. Hãy nhớ triết lý “thói quen nhỏ, kết quả to” – Từng chút, từng chút một mỗi ngày, sự tiến bộ sẽ làm bạn phấn khởi!
#4 – SỰ LƯỜI BIẾNG & UỂ OẢI
Uể oải về thể xác và tinh thần, là một kẻ thù không đội trời chung với bất cứ thành công nào trong cuộc đời. Cổ nhân từng nói, con đường thành công không có dấu chân của kẻ lười. Vì chắc kẻ lười sẽ không chịu cất bước (hoặc ngồi chờ đi nhờ xe máy của ai đó ^^!) Vậy làm sao để chiến thắng được sự lười biếng ? Câu trả lời là bạn cần hiểu về nó. Hãy học cách chiến thắng kẻ thù này ngay khi bạn còn có thể. Vì một khi đã lười thì càng ngồi một chỗ chờ cho hết lười, sẽ càng lười! Do vậy, mẹo nhỏ là khi lười thì đừng ngồi cười một chỗ, hãy đứng ngay dậy và đi đâu đó, đi bất cứ đâu!
#5 – SỰ CHÁN GHÉT, HẬN THÙ
Khi ta chán ghét ai đó, ta có thể có những hành động làm họ tổn thương. Khi ta hận thù ai đó, thực ra là ta đang làm khổ chính mình. Vì nếu có ai đó làm ta bực bội, họ phải là người chịu khổ chứ? Cớ sao ta lại phải cảm thấy khó chịu thay cho họ. Hận thù, chán ghét là con dao hai lưỡi, cả hai lưỡi đều sắc lẹm và làm khổ cả hai phía. Song thật tiếc, ở trường không ai dạy chúng ta cách tha thứ. Liều thuốc duy nhất mà mọi người sử dụng có lẽ là “thời gian”. Mọi vết thương sẽ lành theo thời gian (nhưng kiểu gì cũng để lại sẹo). Làm sao để tha thứ? Tự nói với mình tha thứ cho người đó thôi chưa đủ? Vì làm vậy chỉ giúp bề mặt tâm trí yên ổn một chút, chứ bên trong vẫn còn dậy sóng. Tha thứ & bỏ qua cũng là một kỹ năng, cần có kỹ thuật cụ thể và sự luyện tập thường xuyên.
Huỳnh Long sưu tầm
Nguồn: fususu.com