Nhà cho du khách, tiếng Anh cho trẻ

Nhà cho du khách, tiếng Anh cho trẻ

(HNM) – “Bạn cần nơi ở khi đi du lịch tại Việt Nam. Hãy liên hệ để nhận phòng trọ miễn phí, bù lại, bạn có thể dạy học cho trẻ em nước tôi” là thông điệp mà Tổ chức Volunteer House Vietnam (Ngôi nhà tình nguyện Vì trẻ em nghèo Việt Nam – VHV) gửi tới các diễn đàn du lịch mỗi ngày, để từ đó nhận về hàng trăm lượt “giáo viên” với đủ màu da, quốc tịch. Những thầy cô này sẽ trực tiếp đứng lớp, dạy học cho trẻ có hoàn cảnh khó khăn. Đây là một mô hình học tập đặc biệt đang diễn ra ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh.

bai-nha

Một lớp tình nguyện tiếng Anh cho trẻ em nghèo

Tình nguyện viên Tomas Howard, tới từ Anh, có ấn tượng đặc biệt với thông điệp ngắn gọn nhưng đầy ý nghĩa mà VHV gửi gắm qua một trang tư vấn du lịch nước ngoài. Vì tò mò, anh tìm hiểu rồi hào hứng đăng ký tham gia dạy học. Tomas Howard nhận xét: “Đây là một mô hình rất hấp dẫn với những người thích du lịch trải nghiệm. Không chỉ vì được ở trọ miễn phí mà còn bởi được sống trong một cộng đồng, được tiếp xúc, giúp đỡ đồng thời nhận lại những hỗ trợ, tình cảm từ phía người dân. Tất cả tạo nên những kỷ niệm, ấn tượng khó quên mà bất kỳ khách du lịch nào cũng muốn trải nghiệm khi tới thăm một đất nước xa lạ”.“Mối duyên” từ VHV

Daniel Schmidt, một “giáo viên” khác của VHV, đến từ Cộng hòa Liên bang Đức chia sẻ: “Là sinh viên, du lịch theo hình thức tự túc, nên nhà ở miễn phí giúp mình tiết kiệm một khoản chi phí. Tuy nhiên, sau một thời gian tham gia cùng các tình nguyện viên khác, thấy được hiệu quả từ những lớp học cũng như tình cảm của các bạn học trò, mình thấy việc dạy học không còn là một điều kiện nữa. Nó giống một mối duyên cho mình cơ hội gặp gỡ, tiếp xúc với những bạn nhỏ dễ thương, hiếu động và ham học hỏi”.

Tomas và Daniel chỉ là hai trong số rất nhiều tình nguyện viên ngẫu nhiên bén duyên với VHV nhưng đã song hành với Tổ chức cho đến tận bây giờ. Kể từ khi thành lập (3-2015) cho đến nay, VHV đã thu hút hơn 600 lượt “giáo viên” đến từ nhiều quốc gia trên thế giới. Không ít người, khởi đầu chỉ với dự định lưu lại một, hai tuần để tìm hiểu đất nước, con người Việt Nam, nhưng rồi sức hấp dẫn, ý nghĩa của “công việc” mà gắn bó với lớp học trong một thời gian dài sau đó. Có người, trên hành trình dạy học, lại tìm được “một nửa” của mình, đã quyết định ở lại Việt Nam sinh sống. Người khác, khi về nước, vẫn tiếp tục thực hiện các buổi dạy online để duy trì sự gắn kết với các thành viên khác cũng như với học trò và trở thành những tình nguyện viên đặc biệt…

Học theo phương thức “cùng trải nghiệm”

Đối tượng mà VHV hướng đến là khách du lịch nước ngoài, lưu học sinh…, được kêu gọi thông qua các trang mạng xã hội cũng như từ các nguồn giới thiệu khác. Nhà trọ cho giáo viên, phòng dạy học, tình nguyện viên trong nước… và cả học trò cũng được VHV tìm kiếm bằng cách thức tương tự, bảo đảm điều kiện hài hòa để duy trì một lớp học có 20-30 học sinh trong thời gian từ 6 tháng đến 1 năm, với 2 buổi học/tuần. Ngô Thúy Hoài, Điều phối viên nhóm giảng dạy VHV, cho hay: “Biết ngoại ngữ, nhất là tiếng Anh ngày càng quan trọng trong đời sống hôm nay thế nhưng không phải gia đình nào cũng có thể dành ra vài triệu đồng đến hàng chục triệu đồng cho con em theo học. Đặc biệt với những bạn nhỏ có hoàn cảnh khó khăn, cơ hội học tiếng Anh với người nước ngoài gần như là không thể. Chúng tôi thành lập VHV, vận hành như một mạng lưới có khả năng kết nối người dạy và người học nhằm mang đến cho trẻ nghèo cơ hội học tiếng Anh hoàn toàn miễn phí. Muốn làm được điều này, nhóm cần rất nhiều tình nguyện viên cả trong và ngoài nước, để tham gia vào các nhóm nhỏ với từng phần việc khác nhau như kết nối, tổ chức lớp, soạn giáo án cũng như hỗ trợ giảng dạy”.

Là một tổ chức còn non trẻ, VHV cũng không tránh khỏi những khó khăn. Chỉ riêng việc tìm phòng trọ rồi địa điểm dạy học ở Hà Nội hay TP Hồ Chí Minh đã là “bài toán” nan giải, chưa kể để chọn lựa được tình nguyện viên nước ngoài, phù hợp với các yêu cầu đặt ra (có trình độ học vấn, có khả năng truyền đạt cũng như khuấy động nhóm…) cũng không dễ dàng. Thế nhưng, theo Võ Thị Mỹ Linh, người sáng lập Tổ chức VHV, việc tìm địa điểm dạy học rồi nơi ở trọ cho tình nguyện viên đến giờ khá thuận lợi: “Chính chúng em cũng bất ngờ khi nhận được sự ủng hộ lớn như thế từ nhiều gia đình, tổ chức ngay khi mới đặt vấn đề. Từ sự ủng hộ này, nhóm đã huy động được hơn 80 phòng trọ, tổ chức thành công 22 khóa học ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh”.

“Truyền cảm hứng” cuối cùng lại là yêu cầu khắt khe cũng là thách thức lớn mà VHV đặt ra cho mỗi tình nguyện viên khi đứng lớp, bởi theo giải thích của Điều phối viên Ngô Thúy Hoài: Ngôi nhà tình nguyện Vì trẻ nghèo muốn dành những điều tốt đẹp cho các em nhỏ, những người đã chịu nhiều thiệt thòi so với bạn bè cùng trang lứa. Lớp học không chỉ cho các em cơ hội học tập, trang bị kiến thức mà còn khơi dậy, nuôi dưỡng cho trẻ đam mê học tập. Muốn làm được như vậy, mỗi giờ học phải thật sự bổ ích và hấp dẫn trẻ. Nếu không, các em chán nản mà bỏ học, ý nghĩa của chương trình cũng không còn. Có lẽ, chính phương châm tổ chức lớp học ấy đã giúp VHV, dù hoạt động chưa lâu, đã tạo được ấn tượng tốt đẹp với phụ huynh, học sinh. “Thật khó kể hết những niềm vui mà VHV nhận được từ các lớp học này. Đó có thể là việc học sinh luôn theo học đến cùng, chứ không bỏ dở giữa chừng; sau một vài tháng học, nhiều em đã có thể tự tin tranh luận với giáo viên bằng những mẫu câu tiếng Anh đơn giản; việc tổ dân phố tổ chức lễ tri ân bất ngờ trong Ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11 cho tình nguyện viên hay cả việc có những bạn nhỏ không thuộc diện khó khăn vẫn xin theo học…” – Thúy Hoài hào hứng tâm sự.

Nói về kỷ niệm với lớp học VHV, Frans Caminos Garcia, đến từ Philippines, kể: “Để học trò lắng nghe, hiểu những điều mình nói, nhất là khi ngôn ngữ giao tiếp chưa nhiều, mình thường tìm cách đưa các trò chơi vui nhộn, các ca khúc vào bài học. Vừa chơi, vừa học sẽ giúp trẻ hào hứng, nhập tâm hơn, từ đó sẽ ghi nhớ tốt hơn. Vừa dạy tiếng Anh, tôi vừa nhờ trẻ dạy mình nói tiếng Việt liên quan đến chủ để quen thuộc, đơn giản. Điều này giúp các em luyện từ vựng mà bản thân tôi cũng được hiểu thêm về ngôn ngữ mới, các giờ học vì thế cũng trở nên vui nhộn hơn, khoảng cách giữa thầy và trò, cứ thế, được rút ngắn đi mỗi ngày”. Rõ ràng với cách tổ chức lớp học độc đáo “không giống ai”, những thành viên sáng lập của VHV đã mang đến một sự kết nối hiệu quả trong việc học tiếng Anh cũng như giao lưu văn hóa giữa trẻ em Việt Nam với khách du lịch đến từ nhiều quốc gia trên thế giới.

Thanh Thủy – Trang báo mạng Hà Nội mới
link bài viết: http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/Phong-su-Ky-su/858606/nha-cho-du-khach-tieng-anh-cho-tre