Kể từ khi trở về và bắt tay vào thực hiện dự án Volunteer House, nhiều phóng viên báo đài đều tìm đến phỏng vấn tôi. Họ ca ngợi vì tôi làm một điều tốt cho xã hội. Nhưng đó chỉ là trên báo thôi. Chứ thực ra, tất cả phóng viên gặp tôi ngoài đời đều hỏi một câu: sao về nước hết tiền không lo kiếm việc mà lại đi làm chuyện thiện nguyện.
Câu hỏi này nhắc tôi liên tưởng đến hình ảnh ngày nhỏ. Một chiều cuối năm, tôi chứng kiến cảnh ông cụ hàng xóm chạy đi khắp các hẻm nhặt rác để cả xóm có một con đường sạch đón Tết. Những người dân nơi khu tôi ở thấy ông già đi nhặt rác thì chạy lại tỏ long biết ơn. Nhưng khi ngồi nói chuyện với nhau, họ bảo vầy “Cái lão già ấy điên nhỉ, nhà lão bẩn không ai dọn, thế mà lão lại đi nhặt rác cho cả xóm”.
Dĩ nhiên, cả tôi, những bạn bè của tôi và lão già ấy chẳng ai buồn vì những lời bình luận đó đâu. Bởi chúng tôi không cố gắng làm điều tốt đẹp để nhận lại những lời tử tế. Chúng tôi làm nó, đơn giản chỉ vì nếu không làm, chúng tôi sợ những thứ xấu xa còn lại sẽ quyến rũ chúng tôi mất. Hoặc cũng có thể, chúng tôi đã làm những điều xấu xa, và chỉ có thể đóng góp cho xã hội duy nhất điều tốt đẹp này.
Lúc có ý định mở dự án Volunteer House, tôi gặp nhiều người, là giám đốc điều hành, là ông chủ của những dự án lớn, là doanh nhân thành đạt . Họ bảo ý tưởng của tôi hay, nhưng họ không tin dự án sẽ thực hiện được. Họ hỏi, tiền ở đâu ra mà làm, họ tin dự án có thể thành công nếu có tiền. Nhưng họ không tin, ở một đất nước “money talks” như thế này, người ta sẵn sàng hỗ trợ phòng trống, nhà trống hay sẵn sàng đóng góp cho việc thiện. Câu trả lời tôi dành cho anh là, anh thấy không, bây giờ dự án của tôi nhận được hỗ trợ nhà trống, phòng trống từ hơn 18 tỉnh thành trên cả nước rồi đấy.
Một chị làm ở đài truyền hình bảo tôi rằng, ý tưởng ok, xin tài trợ cũng chẳng khó. Nhưng em cứ nghĩ đi, nếu chỉ cần có một thằng Tây đi vào dự án của em và ăn cắp đồ, coi như danh tiếng và nỗ lực bấy lâu của em đổ xuống sông xuống bể. Không phải không ai muốn giúp trẻ em Việt Nam, nhưng họ không biết làm cách nào để khắc phục rủi ro đó, nên tốt nhất là họ không làm. Câu trả lời tôi dành cho chị là, tôi tin một vết mực có thể làm cho tờ giấy trắng bị vậy bẩn, nhưng tôi không tin vì thế người ta kết luận tờ giấy trắng ấy màu đen.
Cũng có người thắc mắc, sao lại là phổ cập tiếng Anh, những trẻ em nghèo học tiếng Việt chưa xong thì học tiếng Anh để làm gì, những trẻ em giàu thì đã có tiền tới trung tâm học rồi. Câu trả lời của tôi dành cho họ là, thế có trẻ em nào muốn như tôi, phải bỏ việc đẩy bản thân mình vào một hành trình nguy hiểm chỉ vì dốt tiếng Anh không?
Cuối cùng, gần đây thôi, tôi có đọc một bài báo. Những người ở thế hệ trước lắc đầu nhìn thế hệ trẻ bây giờ và bảo rằng, giới trẻ ăn chơi, hưởng thụ, không lo xây dựng đất nước. Tôi xin phép không bàn sâu về vấn đề này. Tôi chỉ muốn nói với họ rằng, đã có hơn 500 tình nguyện viên trẻ đã và đang tham gia vào dự án của tôi – những người mà tôi nghĩ, không có sự chung sức và nhiệt thành của họ, thì tôi cũng chẳng làm được trò trống gì ngoài việc ngồi viết lách thế này. Chúng tôi đang học cách đặt những viên gạch xây hình hài cho đất nước. Và câu hỏi còn lại bây giờ là: thế các bác có muôn giúp thế hệ trẻ chúng tôi làm điều này không?
Võ Mỹ Linh – Founder of Volunteer House Vietnam