Kể chuyện học Anh văn và những bài học kinh nghiệm

Kể chuyện học Anh văn và những bài học kinh nghiệm

Kể chuyện học Anh văn và những bài học kinh nghiệm
Kể chuyện học Anh văn và những bài học kinh nghiệm

Kể chuyện học Anh văn và những bài học kinh nghiệm

Chuyện là nhiều người cứ hay hỏi mình: “Sao học giỏi Anh văn quá vậy? Làm sao học giỏi Anh văn? Có cách nào cải thiện kỹ năng hông?”…. bla bla các kiểu. Mà ngàn lần như một, mình chỉ trả lời họ theo đúng format sau: Nhờ chơi game, coi anime, đọc manga, xem sitcom và movies thôi à! Ấy thế mà chẳng có ai tin mình cả, toàn bảo mình nói xạo và chọc quê họ… Thôi thì hôm nay đang có hứng mình cũng muốn kể lại cho các bạn nghe cách mình học Anh văn như thế nào luôn vậy.

* Lưu ý:

Văn phong bài này sẽ khác nhiều so với các bài trước, xưng hô cũng sẽ loạn xạ lên, bạn nào không thích thì cứ rút lui trong im lặng nhé. Ngoài ra, đây là kinh nghiệm riêng của người viết. Nếu bạn thấy không đúng, bạn có quyền không đồng ý. Nhưng vui lòng không sử dụng từ ngữ đả kích “Không yêu đừng nói lời cay đắng” nha :D. Xin cám ơn.

Những ngày học cấp 1

Cái thời này mình nhớ không lầm là mình học Anh văn rất ngu. Dù cho ba má mặc dù không có dư dả tiền cũng cố gắng đóng tiền cho mình đi học cái hội Việt Mỹ gì đó (VATC hay sao ý, mà nghe nói sau này bọn này nó lừa đảo gì đó thì phải, không chắc lắm chỉ nhớ vậy thôi). Mà kể cái sự ngu thì ví dụ cụ thể luôn là hồi đó không biết chữ “again” là cái quái gì. Vào lớp đọc toàn a-ga-in (đọc theo phát âm tiếng Việt đó nha, và ngắt ra âm tiết y như vậy á). Tới hồi cô và cả lớp cùng phát âm ra thì mới ngớ mặt ra. Rồi mới biết được thì ra cái chữ “again” đó là “lần sau”.

Nhưng nghĩ lại cái hồi học cấp I mình cũng khá là may mắn. Có lẽ trường của mình (hồi đó mình học Đống Đa quận Tân Bình) khá là cầu tiến và vị học sinh. Mình nhớ là mình đã được bắt đầu cho học tiếng Anh từ lớp 2 rồi thì phải. Hồi xưa thì thầy/cô chủ nhiệm là kiêm nhiều môn một lúc. Duy chỉ có môn tiếng Anh là mình nhớ được học chuyên biệt một cô/thầy luôn. Kể ra thì được tiếp xúc với tiếng Anh từ bé cho nên cái độ quen thuộc và nhanh nhạy cũng có phần nào. Tuy nhiên, hồi đó ngu thì vẫn là ngu :D.

Cái giai đoạn mình bắt đầu nâng cấp tiếng Anh là bắt đầu bước vào cấp II. Có thể gọi là cú chuyển mình đột phá.

Lớp 7, Final Fantasy, RPG và cuốn từ điển Anh – Việt

Trước khi đến cái thời điểm này thì cũng nói sơ qua là đầu năm lớp 6 mình có thi vào chuyên Anh của trường Hồng Bàng. Nói chung là đậu với 1 số điểm chả mấy gì là tự hào (nhưng chẳng hiểu sao trường nó vẫn cho đậu). Thế là nghiễm nhiên khoác lên mình cái mác “lớp chuyên”, mặc dù vào học rồi mới thấy mình ngu, cô giảng chẳng hiểu cái mô tê ất giáp gì cả.

Sau đó, vào hè lớp 6 lên lớp 7 mình được tiếp xúc với game. Cụ thể là dòng game RPG (Role-Playing Game) – thể loại game nhập vai. Mình vẫn còn nhớ cái game đầu tiên chơi là Final Fantasy 8. Hồi đó chơi vì thấy nó đẹp là chính nên mới install vào. Tuy nhiên, càng chơi càng thấy ghiền. Nhưng lại bị ức chế ở chỗ chơi mà không hiểu chúng nó đang nói đến cái gì: tại sao con này thích thằng kia, sao thằng này không thích nó, tìm đường tới chỗ đó bằng cách nào đây, chúng mày đang nói cái quái gì đấy hả???? :((… Cảm giác cực kỳ khó chịu. Và thế là với quyết tâm của một thằng… gamer, mình đã quyết định sẽ tự học Anh văn để hiểu xem game nó như thế nào.

Vậy là bắt đầu những ngày tháng hè miệt mài một tay cầm điều khiển, một tay cầm tự điển tiếng Anh. Gần như là gặp từ nào khó là lấy ra tra, tra xong thì học thuộc lòng luôn từ đó. Chơi hết 8 xong thì chuyển sang FF9. Mà thể loại RPG này đặc biệt ở chỗ bối cảnh của nó. FF8 thì bối cảnh nó hiện đại nên từ ngữ nó cũng khá là hiện đại. Còn FF9 là hơi hướm thiên về thời xưa nhiều hơn với những hiệp sĩ, nữ hoàng, quân lính rồi lâu đài này nọ. Chính nhờ sự đa dạng đó mà từ ngữ trong mỗi game cũng đa dạng luôn. Vì thế mà từ vựng của mình cũng đa dạng thông qua mỗi loại game RPG mình chơi.

Đấy, 3 tháng hè miệt mài với các thể loại game RPG cùng quyển từ điển. Lúc đó thì mình cũng có biết gì đâu, chỉ biết chơi vì đam mê là chính =)). Thế mà sau này phải cảm ơn khoảng thời gian đó, bởi vì chỉ trong 3 tháng hè mà lượng từ vựng của mình tăng nhiều khủng khiếp. Chính vì thế mà tự dưng những bài tập trên lớp mình cảm thấy rất là dễ đối với mình. Nhất là ở mặt nghĩa thì dường như mình hiểu hết nghĩa của nó nói gì. Còn lại chỉ là luyện tập về grammar nữa mà thôi ^^.

Bài học rút ra: chơi game không xấu, chủ yếu là chơi game gì, chơi như thế nào và học được gì từ nó. Mình thề với các bạn là mình có ông bạn kia thi TOEFL iBT với số điểm là 99/120 nhưng chưa bao giờ luyện qua trường lớp gì. Chỉ toàn cày game RPG giống mình. Thế cho nên mới nói quan trọng là chơi như thế nào và học được gì từ đó.

Đầu năm lớp 8 trường có đợt thi tuyển lại để chọn lọc lớp chuyên. Mình thi. Rớt. Thiếu 0,25 điểm. Nghĩ nếu xin thì chắc cũng sẽ vô được. Nhưng tự ái nên không muốn xin. Thế là lớp 8, 9 về lại lớp thường học. Lâu lâu vẫn nghe tin anh em trong lớp chuyên đi thi này thi nọ, được giải này kia thấy cũng ấm ức. Vậy là càng quyết tâm… chơi game nhiều hơn để trau dồi vốn liếng từ vựng, cách đọc hiểu cũng như grammar của mình. Cho nên đến cuối năm lớp 9 là trong lớp mình đứng nhất về môn Anh văn :D.

Đấy, đó là năm cấp 2 của mình. Và tự hào nói luôn người thầy đầu tiên dạy mình Anh văn đó chính là game. Cho nên bạn đừng ngạc nhiên khi hỏi mình giỏi Anh văn nhờ đâu và nhận được câu trả lời: “Mình giỏi Anh văn nhờ game” nhé. Còn tin hay không là quyền của bạn. Tui là tui sống thật với chính mình lắm. Có sao nói vậy, có gì nói đó thôi

ACET và mỗi ngày 10 tiếng luyện tập

Lên cấp 3 thì gia đình có ý định cho mình đi du học Thụy Sĩ, ngành du lịch khách sạn (may phước là chuyện này không thành sự thật). Ở bển nói tiếng Pháp, nhưng mà nghe đồn cũng có xài tiếng Anh. Thế là giai đoạn đó đi học cả Anh lẫn Pháp cho đủ bộ. Tiếng Pháp thì thôi tạm không bàn ở đây, mình chỉ bàn đến tiếng Anh thôi nhé.

Chính vì cái việc đi du học đấy nên là quyết định đi thi lấy bằng IELTS. Vậy là hè năm lớp 10 đăng ký vào trung tâm ACET học để luyện thi. Trước khi học thì nó cho thi thử, thế là cũng thi. Kết quả cuối cùng interview là ông thầy ổng cho mình vào lớp 5 (tổng cộng nó có 8 lớp). Lúc đấy mình chỉ nghĩ một thứ: “Tiền đào đâu ra mà học từ lớp 5 trở lên…” Thế là đánh liều nói với ông thầy: “Can you take a look at my results again? I think I should be in Class 6.” (Tạm dịch: Chú xem lại đê. Anh nghĩ là anh phải ở lớp 6 cơ =)).) Ô lạ thay – thế mà ổng nhìn lại thật, và cuối cùng ổng quyết định cho lên lớp 6 luôn. Chắc bị ấn tượng bởi 1 thằng nhóc 16 tuổi dám đòi hỏi nhiều hơn thứ nó được đưa cho :D.

Vậy là bắt đầu chuỗi ngày khổ luyện suốt 3 tháng hè. Mỗi ngày mình học từ thứ 2 đến thứ 6, từ 7h đến 11h30. Sau đó nghỉ trưa ăn uống một tí. Tiếp tục xuống thư viện trường học từ 2h cho đến tận 7-8h tối. Liên tục như vậy trong cả hè. Luyện một cách điên cuồng, cứ có bài luyện thi là lôi ra làm. Sai, đem cho thầy sửa. Làm lại. Đọc. Đọc nhiều hơn nữa. Nghe liên tục, nghe bất kể mọi lúc mọi nơi. Nói chuyện với bạn bè. Nói bằng tiếng Anh trong lớp… Nói chung, thời điểm đó là thời điểm học Anh văn mà thấy hạnh phúc nhất vì môi trường nước ngoài, phong cách nước ngoài, và được sống chết với cái đam mê của mình.

Kết quả thi chung cuộc chỉ được 6.0. Cũng có phần thất vọng vì lúc đó cũng có niềm tin giới hạn là mình không thể chạm được ngưỡng 7.0 (giờ thì hết cái niềm tin giới hạn đó rồi nha). Tuy nhiên, điểm số không quan trọng bằng việc kiến thức mình nhận được trong 3 tháng hè đó. Và hệ quả của nó là mình tiến bộ vượt bậc về môn Anh văn. Quay lại trường học, cảm thấy trình độ của mình đã vượt xa hơn hẳn kiến thức của cấp 3 . Cũng xứng đáng để bỏ công nhỉ.

Bài học rút ra:

-Hãy tự tin vào khả năng của mình. Nếu tin rằng mình có thể làm tốt hơn, thì hãy tin vào điều đó. Và hãy hỏi, biết đâu sẽ được :D.

-Nếu muốn giỏi Anh văn, bạn chỉ có 1 cách là “cày”, và “cày” bằng tất cả tình yêu và đam mê của mình. Không phải ai sinh ra cũng giỏi ngoại ngữ (có nhưng hiếm), nhưng bạn hoàn toàn có cách để khiến cho mình giỏi ngoại ngữ. Quan trọng là làm hay không làm. Thế thôi.

Vua trò chơi và cái lỗ tai trâu

Lên lớp 11 được tiếp xúc với cái món gọi là anime – manga. Chính xác là tiếp xúc lâu rồi, nhưng mà hồi đó là bằng tiếng Việt. Còn bây giờ là phiên bản tiếng Anh. Thật ra từ hồi bé đã biết có một số bộ mấy lão dịch bố láo rồi mà hồi đó trình còi nên cũng đâu biết nói gì hơn. Sau này giỏi tiếng Anh rồi nên thích đọc nguyên gốc hơn :D.

Tình cờ biết được một bộ truyện yêu thích của mình từ hồi xưa là “Vua trò chơi – Yu Gi Oh!” có phiên bản anime gần 270 mấy episodes (nhớ mang máng số lượng thế). Thế là ngồi hì hụi download về coi. Nhưng hỡi ôi trời không thương mình, nó lồng tiếng bằng tiếng Anh chứ không có phụ đề tiếng Anh… Nhưng giờ nghĩ lại không lẽ xóa đi, tiếc công và tiếc tiền download nên quyết định: “Makeno, coi thì coi thôi.” Mặc dù lúc đó khả năng nghe của mình rất yếu. Một phần là vì ít được tiếp xúc nhiều với người nước ngoài, và 1 phần là lười nghe tài liệu.

Gần cả chục tập đầu chủ yếu là đoán nội dung là chính vì dù sao cũng đã coi truyện trước rồi nhưng đúng là rất khó nghe. Tuy nhiên mình vẫn tin rằng cố gắng nghe riết thì nó sẽ quen thôi. Có nhiều đoạn nghe không ra là cứ phải pause, lùi lại, nghe rồi lại pause, lùi lại, nghe… Kiên trì như thế đến độ khoảng episode thứ 20 thì cảm thấy mọi thứ đã rõ hơn rất nhiều. Những từ khóa mình cũng đã nắm được, hiểu được ý chính của đoạn muốn nói gì (thề luôn, có cái phrase này là nhớ mãi không quên: “Heart of the card, please guide me”, cái câu này nói mỗi khi anh main char sắp thua, mỗi lần nói xong là rút trúng bài ngon… Vãi cả Yugi 8-}). Thậm chí là có thể nghe ra những từ mới nữa. Sau này mới hiểu là đó là cách học Anh văn tự nhiên. Có thể trong thời gian đầu sẽ không thấy mình tiến bộ. Nhưng sau khoảng thời gian đó thì khả năng sẽ được cải thiện rõ rệt. Nhưng giả sử như ngày đó nếu mình không kiên trì đi tới cùng, chắc có lẽ khả năng nghe sẽ không giỏi như bây giờ.

Hiện giờ trong 4 kỹ năng thì tự hào nói rằng kỹ năng nghe là giỏi nhất. Và cũng tự hào nói rằng người thầy dạy nghe đầu tiên của mình là “Vua trò chơi”  (thế mà vẫn có người không tin).

Bài học rút ra: khi bắt đầu làm một điều gì đó, ban đầu bạn sẽ cảm thấy rất khó khăn. Nhưng nếu kiên trì, mọi thứ sẽ trở nên dễ dàng hơn rất nhiều. Ông bà ta có câu “Trăm hay không bằng tay quen”, và nó hoàn toàn đúng. Đặc biệt là học Anh văn thì lại càng đúng.

“Những người bạn” và “Hồi xưa bố mày gặp mẹ mày như thế nào”

Đó là tựa Việt dịch sát nghĩa thôi. Tiếng Anh là “Friends” và “How I Met Your Mother”. Hai series này thuộc thể loại sitcom – situational comedy (hài tình huống) rất phổ biến ở nước ngoài. Và cũng là 2 series giúp mình trau dồi khả năng hiểu và giao tiếp theo đúng kiểu người nước ngoài nói với nhau chứ không phải theo kiểu SGK bên mình là: “Hi. How are you?” “I’m fine, thank you. And you?” đâu =)).

Cũng chẳng nhớ cơ duyên nào run rủi mà mình coi thể loại này. Chỉ nhớ bắt đầu tập coi vào khoảng gần cuối lớp 11. Khởi đầu bằng Friends trước và đã bị hút hồn bởi nó. Và dĩ nhiên sitcom thì phải hài hước, mà hài hước đôi khi nó uyên thâm và phải hiểu văn hóa của bên nước đó thì bạn mới cười được. Nếu muốn kiểm tra thử trình độ của mình thì bạn cứ kiểm tra bằng cách xem mình có bật cười và gật gù khoái trá trước những tình huống hài, mỉa mai, đá đểu nhau trong sitcom hay không là biết. Ngoài ra coi sitcom cũng là 1 cách để bạn luyện tập hiểu cách giao tiếp thông thường của người nước ngoài đấy. Một điểm lợi nữa là coi để hiểu văn hóa người ta nó như thế nào. Lâu dần một cách nào đó tư duy của bạn cũng sẽ mở mang hơn rất nhiều đó.

Bài học rút ra: Để biết tiếng Anh, hãy học theo sách SGK. Nhưng để thật sự giỏi, hãy học cách người nước ngoài họ giao tiếp với nhau trong đời sống bình thường như thế nào.

Sách – người thầy tận tụy nhất

Bây giờ thì lớn rồi. Game cũng chẳng còn chơi. Yu gi oh thì cũng không xem nữa. Anime, manga thì lâu lắm mới có 1-2 bộ làm mình hứng thú. Sitcom thì cũng bớt coi nhiều. Vậy chứ bây giờ luyện Anh văn bằng cái món gì? Câu trả lời là Sách. Mình rất thích đọc sách, đối với mình sách là người thầy thông thái và tận tụy nhất. Sách nuôi dưỡng tâm hồn của mình, giúp mình tiếp cận được với kiến thức của nhân loại và giúp mình mở mang tư duy nhiều hơn tất thảy mọi thứ khác.

Ban đầu đọc sách tiếng Anh cũng cực lắm. Vì nó là cả 1 đẳng cấp khác so với game, anime-manga hay phim. Bởi vì những thứ đó mình có thể thông qua ngữ cảnh để đoán cốt truyện. Còn sách đòi hỏi bạn phải đọc hiểu tốt, tư duy bằng góc nhìn của người viết, tự mường tượng ra hình ảnh cho mình. Nhiều lúc cũng mệt và nản. Nhưng nghĩ lại đọc sách tiếng Việt còn đuối và nản hơn (bởi vì sách hay mà vô mấy cái công ty dịch thuật theo kiểu “mì ăn liền” toàn dịch vớ vẩn, bố láo, cắt xén nội dung từa lưa cả…). Nhưng lại giống kinh nghiệm lúc xưa, đọc riết sẽ quen. Mà cũng chẳng biết là quen lúc nào luôn. Chỉ biết là tự nhiên sau 1 khoảng thời gian thì thấy thoải máivới việc đọc sách. Cho nên từ đó trở đi cứ đều đặn 1 tháng ít nhất cũng phải đọc được 3 quyển. Vừa tăng kiến thức, vừa tăng khả năng tiếng Anh. Quá sướng và quá tiện lợi

Bài học rút ra: bạn có thể học tiếng Anh bằng nhiều hình thức, theo cách riêng của mình. Không nhất thiết cứ phải học trên trường hoặc trung tâm. Và tốt nhất nên học và kết hợp những thứ nào có thể giúp bạn vừa tăng khả năng tiếng Anh, vừa đem lại 1 lợi ích nào khác nữa cho riêng bạn.

Tổng kết lại

Ê ê gượm đã. Trả lời cho tui mấy câu hỏi này chút rồi hẵng tổng kết lại.

1.Rốt cục học tiếng Anh dễ hay khó?

Thật ra là khó hay dễ, cái nào cũng đúng. Bạn nghĩ nó khó thì khó. Bạn nghĩ nó dễ thì dễ. Thế thôi. Giờ bạn thử nhớ lại coi có cái món nào mà hồi đó khi bạn bắt đầu làm thì nó cực khó. Nhưng làm riết tự nhiên bạn thấy nó dễ như bỡn không? Học Anh văn cũng cùng nguyên lý đó thôi à.

2.Vậy làm cách nào để học tiếng Anh hiệu quả?

Ê giỡn mặt hả. Nãy giờ viết nguyên bài dài vậy có đọc chữ nào không đó o.O?

Nói tóm lại, học Anh văn hiệu quả thì phải kết hợp như sau: học, cày và luyện làm bài tập cho nhiều vào để tạo liên kết nơ-ron thần kinh cho quen với tiếng Anh. Bên cạnh đó, kết hợp với việc học một cách tự nhiên thông qua 1 trong những cách mà tui đã giới thiệu ở trên.

3.Vậy khi nào mới biết mình thành tài?

Không biết. Sự học là học cả đời. Tui cũng chưa thành tài nên tui không có phán khi nào bạn thành tài được hết á. Cứ học đi, thấy thỏa mãn với kết quả mình có là được rồi.

4.Chỉ cho tui biết mấy cái nguồn down manga-anime, phim sitcom, sách này nọ được hông?

Hông. Tự google đi. Muốn ăn phải lăn vào bếp. Thời buổi giờ không biết xài google thì “cạp đất mà ăn” à? Trừ sách nếu kiếm hoài không ra thì có thể hỏi tui. Nếu tui có tựa sách thì sẽ up lên cho.

Gợi ý với mấy cái series thì chịu khó tìm hiểu giao thức down torrent. Còn phần sau vui lòng tự google.

5.Tui mất căn bản tiếng Anh rồi, giờ học từ đâu? Có cách nào giỏi lẹ lẹ không?

Mất căn bản thì học lại từ đầu chứ từ đâu? Tính ngồi mát ăn bát vàng hả? Thời buổi nào rồi giờ còn mơ tới đũa thần Harry Potter vẩy 1 cái là tự nhiên có cái mình muốn chứ? Mua mấy quyển về ngữ pháp về luyện trước. Luyện cho thành thạo grammar đi đã rồi tính tiếp. Ngoài ra google “3000 từ tiếng Anh thông dụng” để mà luyện từ vựng. Mỗi ngày học chừng 3 từ thì 1 năm là 365 x 3 = 1095 từ rồi. Nhiêu đó cũng ngon cơm rồi đó. Muốn tăng tốc thì 6 tháng đầu 3 từ, 6 tháng sau tăng lên 5 từ thì tổng cộng là 1440 từ, cũng được gần nửa rồi đó.

Còn muốn giỏi lẹ hả? Một ngày học chừng 14 tiếng thì 3 tháng (khoảng 1260 giờ học) là ngon lành cành đào hà. Nghiên cứu khoa học cho thấy bạn luyện cái gì 10.000 giờ thì sẽ thành expert trong lĩnh vực đó (cứ google để kiểm chứng, hoặc tìm quyển Outliers của Malcolm Gladwell đọc). Mới 3 tháng đã được 1260 giờ rồi, 1 năm mà học cường độ đó thì sẽ là 5110 giờ đó. Má ơi học vậy mà không giỏi nữa thì thôi luôn á ^:)^. Quan trọng là chịu bỏ thời gian ra học hay không thôi à.

6.Tui ghét Anh văn lắm. Nhưng mà phải ráng học để đủ điểm đi du học.

Yêu hay ghét là do bản thân mình thôi. Nhiều khi thấy ghét là tại chưa thấy được thành quả của mình cho nên thấy ghét thôi. Cũng như kiểu hồi nhỏ bọn con trai thường bảo: “tao chả thích con gái” nhưng lớn lên thì đổ như sung vì các em hot girl đấy thôi. Kể cũng đúng, hồi đó tuổi nhỏ làm gì đã thấy sự quyến rũ của mấy em đúng hong? Nhưng lớn lên thì vòng nào ra vòng đó, thế là yêu thôi :”> (xin lỗi các bạn nữ trước vì ví dụ này nha, các bạn cũng cứ nghĩ ngược lại hồi xưa mình cũng chả ưa mấy thằng “thò lò mũi xanh” đi ha). Học Anh văn cũng tựa thế. Chưa thấy kết quả gì nên ngán. Học chừng vài tháng thấy tiến bộ lên thì tự khắc sẽ vui thôi :D.

7.Tại sao lại phải học Anh văn, tui thấy nó chả có lợi ích gì?

Lạy hồn… Thời buổi nào rồi giờ còn phát ngôn câu này *_*? Không thích học thì thôi đừng có càm ràm về sau nhé. Lựa chọn có hệ quả của nó. Mốt thấy có lợi thì đừng tự chửi mình tại sao hồi đó không học nhé.

8.Tui nghĩ là bạn có khiếu thôi chứ tui thì đó giờ ngu truyền kiếp môn này rồi

Đi uống thuốc đi là vừa rồi đó… Cỡ này thuốc tiên chưa chắc chữa được đâu. Muốn giỏi mà không nỗ lực thì chỉ có thể loại “nằm mơ giữa ban ngày” thôi. Làm ơn tỉnh lại dùm đi. Tỉnh lại, tỉnh lại đêêêêêêê…… Nỗ lực anh bỏ ra có 1 mà anh đòi kết quả tới 100 lận hả? Xin lỗi nha, cuộc đời này sòng phẳng lắm. Cho nên nghĩ gì là nó cho cái đó à. Nghĩ mình ngu thì nó cho cái ngu. Nghĩ mình thông minh thì nó cho cái thông minh. Thế thôi :D.

Kết lại, học Anh văn không khó như bạn nghĩ. Nếu muốn bạn sẽ tìm cách, còn nếu không muốn bạn sẽ tìm lý do mà thôi.

Hi vọng rằng các bạn sẽ tìm thấy tình yêu với tiếng Anh giống như mình đã từng tìm thấy. Chúc các bạn một ngày tuyệt vời!

Đinh Hải Đăng