Vốn là một người từng có kinh nghiệm leo núi và tập luyện thể thao thường xuyên nên khi được thông báo về chuyến đi tôi đã đăng kí ngay lập tức. Dậy từ sớm, ban tổ chức đã cất công chuẩn bị cho các thành viên một bữa sáng là mì gói bò đầy chất lượng cùng những thiết bị dụng cụ, thức ăn, nước,… cần thiết để leo núi.
Khởi hành từ lúc 5h chúng tôi bắt đầu xuất phát đến núi bà Đen nhưng thời tiết lúc ấy lại mưa tầm tã khiến cho đoàn chúng tôi phải dừng lại ở dưới núi để chờ cơn mưa qua. Vâng bắt đầu hành trình là sự chào đón của những bậc thang, tôi không dám nhìn lên phía trên để đếm mình còn bao nhiêu bước mà chỉ biết cặm cụi đi hết bậc này đến bậc khác mà tưởng chừng nó kéo dài đến vô tận ấy. Hết những bậc thang là những tảng đá to lớn đánh dấu cho con đường chông gai để chinh phục ngọn núi vốn cao nhất miền Đông Nam Bộ này.
Vì trước đó mưa nên con đường vốn đã khó khăn nay lại càng thêm nguy hiểm vì trơn trượt, nhưng với một tinh thần phải hoàn thành nhiệm vụ các thành viên đã cùng động viên nhau vượt qua từng viên đá, hỗ trợ nhau để leo. 30 phút, 1 tiếng rồi 2 tiếng chúng tôi đã có mặt ở 1/3 chặng đường trạm dừng chân của Chú Tư. Vốn là người bán hàng ở núi nhưng chú Tư rất được yêu mến bởi sự nhiệt tình, vui vẻ, chân chất, tốt bụng như chính những người dân ở nơi đây.
Sinh ra và lớn lên ở vùng đất Tây Ninh, nhưng tôi khá ngạc nhiên về quyết định lập nghiệp của chú ở ngọn núi này. Vì bản thân tôi khi leo lên được tới chỗ chú mặt đã như không còn miếng máu, mồ hôi nhễ nhại, chân thì tê, mặc dù bản thân không phải là người ít vận động. Ấy vậy mà mỗi tuần chú leo đến tận 5 lần để vận chuyển hàng hóa, và chu trình ấy kéo dài đã được hơn 30 năm. Ở đây, mọi thứ đều rất thô sơ, từ cái bàn, cái ghế, cho đến cái mái che nắng che mưa thì lấy đâu ra xe đẩy hay đường chuyền để vận chuyển hàng. Âu là cái công của chú như vậy nhưng chú không hề bán mắc một thứ gì, và mỗi khi có người leo đến quán, chú đều dặn dò mọi người phải giữ sức uống nước, nghỉ ngơi vì chỉ có duy nhất một cái quán ở suốt cái núi này. Tuy chỉ mới gặp lần đầu nhưng với ai chú cũng xem như là con cháu trong nhà, hướng dẫn và truyền lại kinh nghiệm, bí kíp leo núi rất nhiệt tình. Và cũng chính nhờ những phút giây trò chuyện cùng chú mà chúng tôi như quên hết mệt mỏi và có thêm động lực để leo tiếp 2/3 chặng đường còn lại.
Sau khi lên đến đỉnh núi, chúng tôi bắt đầu hành trình thu gom rác. Theo tôi nơi nhiều rác nhất chính là đỉnh núi – nơi mà các bạn leo núi cắm trại nghỉ ngơi. Dọc theo đường leo núi đều có những tấm biển nhắc nhở các bạn tham gia leo núi nhớ mang rác về nhưng rác lại rải rác suốt chặng. Tuy nhiên , mặc cho ai trước sau có quên đi trách nhiệm ý thức của họ, chúng tôi vẫn làm việc bằng tất cả sự nhiệt thành của mình, chọn hành động hơn lời nói. Vì chúng tôi tin chắc rằng mỗi niềm tin được gieo ra là sức mạnh sẽ kết thành và lan toả.
Chúng tôi, những thành viên thật sự trẻ của VHV, chưa nhiều trãi nghiệm, nhiều kĩ năng sống, còn góp sức chung tay bảo vệ môi trường được. Bạn có làm được không???!!!
Tái bút: Chuyến đi đã đem lại cho tôi không chỉ về kĩ năng, kinh nghiệm đề leo núi mà còn lại sự đoàn kết long nhiệt thành của các bạn trẻ tham gia leo núi đã giúp đỡ chúng tôi mang những túi rác của chính các bạn và chúng tôi xuống. Một chuyến đi vui và đầy ý nghĩa.
Ánh Nguyễn.