Sinh viên, bạn cần làm gì để xứng đáng với cái bằng đỏ cử nhân mà bạn đã, đang và sẽ nhận được?
Một bảng điểm đẹp ư? Đúng, nhưng chưa đủ.
Sinh viên, muốn thành công, muốn có sự nghiệp, cần dựa vào vô vàn những yếu tố khác nhau, từ khách quan đến chủ quan. Việc sinh viên nhận thức được vị trí của bản thân, rằng mình là ai, mình đang ở đâu và mình muốn làm gì là một việc vô cùng quan trọng. Ấy vậy mà, một hồi chuông báo động đã reo lên, sinh viên Việt Nam đang “ảo tưởng”, dường như đang quá “ngây thơ” về tương lai của chính mình.
Một bài viết của Career Manager Đại học RMIT đã thức tỉnh nhiều thế hệ học sinh , sinh viên, đặc biệt là những bạn đang trong quá trình chuẩn bị vào đời. Cô là tấm gương tiêu biểu của nhiều học sinh- Phoenix Ho hay Hồ Phụng Hoàng.
Với tiêu đề “Có lẽ cũng phải “hù” các em một chút”, cô giáo đầy tâm huyết này đã “gióng một hồi chuông chia sẻ với các em những lo âu của mình”, mong rằng nó giúp các sinh viên trong và ngoài RMIT chuẩn bị cho tương lai mình một cách thực tế hơn. Bằng giọng văn sắc sảo cùng những lập luận, so sánh rất thực tế, thuyết phục, cô giáo vừa “hù” được các sinh viên về việc ảo tưởng làm giàu, ảo tưởng về sự phát triển của kinh tế Việt Nam đồng thời khéo léo chỉ ra sự sai lầm của các gia đình bây giờ trong việc giáo dục con cái.
Bài viết của cô, tuy là “hù”, là chỉ ra những cái sai của người trẻ, nhưng lại không khiến người trẻ bức xúc. Ngược lại, nó đang được chia sẻ rộng rãi và nhận được sự đồng tình từ nhiều tầng lớp.
Sau đây, xin được trích một đoạn tiêu biểu trong bài viết đầy thực tế của cô:
“Vậy nên, ngừng đọc báo, ngừng share facebook những mẩu chuyện ấy với các lời comments chanh chua hay cảm phục. Thay vào đó, hãy nhìn quanh mình để tìm những câu chuyện thành công gần với hiện trạng của mình nhất, học hỏi từ họ, tìm tòi những yếu tố nào giúp họ đến được ngày hôm nay. Các em sẽ thấy một công thức khá đơn giản: chịu khó làm việc (chịu khó làm chứ không phải chịu khó tưởng tượng đâu nhé!), luôn học hỏi, khiêm tốn, thực tế, đi chậm, lựa cơm gắp mắm, không ảo tưởng.
Đó có thể đơn giản là một người con trai từ ngoại tỉnh về thành phố học, tốt nghiệp, lăn lộn đi làm chừng 7, 8 năm trong một công ty nhỏ, bên ngoài làm thêm công việc phục vụ quán cà phê, để từ từ thuê mặt bằng mở một quán nhỏ lề đường với thu nhập đủ nuôi mình và gia đình nhưng vẫn không nghỉ công việc toàn phần ở công ty nhỏ kia. Đó có thể là một người con gái vượt khó ráng tốt nghiệp lớp 12 bằng bổ túc văn hoá, thi trầy trật vào được một chương trình đại học của một đại học loại khá, vừa đi dạy thêm vừa đi học để tự lo cho bản thân, chầm chậm chịu khó trau dồi kiến thức, kỹ năng, để rồi khi ra trường từ từ tìm được một công việc toàn phần ở công ty hạng trung, nhưng không bỏ công việc dạy thêm hàng đêm để thêm thu nhập.
Hai câu chuyện này so ra khá ‘tầm thường’ với những câu chuyện kia, nhưng nếu so sánh hiện tại của họ với mức khởi đầu, tôi cho rằng câu chuyện thành công của họ đáng được để ý không kém.
Vì vậy, tôi nghĩ các em hãy ngừng đọc những câu chuyện của người khác mà hãy bắt đầu viết câu chuyện của bản thân mình, từng chương từng chương một.”
Cô Hồ Phụng Hoàng
Chia sẻ rất thật, rất thực tế, nhưng cái kết lại khiến bài chia sẻ nhẹ nhàng và thoải mái hơn rất nhiều, đánh sâu vào tâm lý tuổi mới lớn, cần cứng rắn, nhưng lại cứng rắn một cách mềm dẻo.
“Ôi, tôi viết note này trong hai nỗi sợ, “Sợ mình bị ném đá” và “Sợ mình không được các em thương nữa.” Nhưng tôi xin đính chính, tôi không ngừng yêu quý các em. Tôi chỉ muốn các em thực tế hơn, cố gắng hơn, bớt ảo tưởng hơn, có trách nhiệm hơn, và thôi đừng ngây thơ dựa dẫm vào người khác nữa khi đã 18 tuổi rồi.
Các em ơi, hãy bước vào đời với chân cứng đá mềm, hãy bắt đầu sống và viết câu chuyện của mình đi nhé.”
Trang cá nhân của cô được rất nhiều người theo dõi, trong đó phần đông là học sinh , sinh viên. Qua lượt like và lượt share, có thể thấy các bài viết của cô rất được hưởng ứng và được sinh viên dùng đó để học hỏi.
Như vậy nhờ những nhà giáo, những người tâm huyết với thế hệ sau như cô Hồ, chúng ta hoàn toàn có thể mong đợi về một thế hệ người trẻ Việt, năng động hơn, chăm chỉ hơn, mơ ước nhiều hơn nhưng cũng cần phải thực tế hơn.
Các bạn có thể đọc toàn bài ở link sau: https://www.facebook.com/notes/phoenix-ho/c%C3%B3-l%E1%BA%BD-c%C5%A9ng-ph%E1%BA%A3i-h%C3%B9-c%C3%A1c-em-m%E1%BB%99t-ch%C3%BAt/1012582595462736
Thanh Tuyết sưu tầm