Sau 30 phút lạc đường, cuối cùng tôi cũng tìm đến được lớp học Tiếng Anh ở cơ sở 5 của Volunteer House Vietnam, cách chỗ tôi 6km. Đối với một người mù đường như tôi, đó chắc hẳn là cả một sự nỗ lực không hề nhỏ.
Từ xa, tôi đã thấy bọn nhóc đang loi nhoi, vui vẻ chơi đùa dưới cái nhìn trìu mến, chiều chuộng có phần thương yêu từ các “cô giáo” của Volunteer House Vietnam. Bước vào lớp, tụi nhóc nhìn tôi rồi chào cô. Lần đâu tiên trong đời, tôi được chào bằng cách mà tôi vẫn chào thầy cô của tôi 19 năm nay, cảm xúc thật khó tả. Tôi bỗng thấy yêu quý bọn trẻ đến lạ.
Buổi tổng kết bắt đầu từ 7h, gồm 3 phần chính: Chị Thu Thủy- Leader phát biểu cảm ơn các bác tổ dân phố Bùi Xương Trạch đã tạo điều kiện để lớp học được tổ chức và nhận xét về ưu, nhược điểm, thành quả những gì lớp học đã làm được. Sau đó, cô giáo trả bài kiểm tra và bài đánh giá cuối kì cho các em học sinh. Phần cuối cùng là chơi trò chơi và liên hoan.
Buổi tổng kết ngập tràn tiếng cười, niềm vui, các bé có thành tích học tập tốt còn được nhận những phần quà đáng yêu, thiết thực. Và gần như lúc nào cũng có tiếng ồn từ dưới những ngăn bàn, nơi có những cậu nhóc nghịch ngợm, các cô bé hay nói hay cười.
Không có sự nhắc nhở nghiêm túc như thường ngày, hôm nay các bé được thoải mái hơn, vì vậy không khí ngập tràn niềm vui.
Giữa không khí vui nhộn đó, tôi để ý thấy một bé gái đang ngồi buồn, tôi liền chạy đến hỏi thăm em. Tôi hỏi lý do vì sao em lại buồn. Thật bất ngờ, em không buồn vì bị điểm kém, em không buồn vì bị mắng, vì bị bạn trêu chọc, mà em buồn vì phải xa lớp. Thời gian 6 tháng không dài cũng chẳng ngắn, tôi nghĩ với sự ngây thơ non nớt của các em, khoảng kí ức này sẽ không lưu giữ được lâu. Nhưng ngay tại giờ phút chia tay, các em buồn, các em lưu luyến, chắc hẳn các em đã từng rất gắn bó và yêu thương nơi này.
Tôi cứ đi vòng vòng quanh lớp, hỏi thăm từng bé, từng bé. Tôi cũng hỏi các em có muốn học ở lớp nữa không, câu trả lời đều là có. Tôi bật cười với những suy nghĩ rất ngây ngô của các em. Một bé, tên là Hưởng, được điểm thi cao nhất lớp, em lập tức nhảy lên và đem khoe với mẹ. Các em nữ thì nhút nhát hơn nhưng không biết lạ, tôi là thành viên mới đến nhưng các bé nói chuyện cực kì thân thiện và hay cười, hay nói. Điều này khiến tôi cảm thấy rất vui và ấm áp.
Lúc viết giấy cảm nhận, học sinh viết cho giáo viên, giáo viên viết tặng học sinh, tôi mới thực sự thấy sự gắn bó ở nơi đây nó khăng khít đến mức nào. Các nhóc tuy náo động nhưng cũng tranh thủ thoát khỏi những trò nghịch và viết cho các thầy cô. Có note ngây thơ thật thà, có note xúc động, có note ngắn cụt lủn, có note dài, nhưng ai đọc cũng cảm nhận được sự đơn thuần ấy là xuất phát từ đáy lòng.
Còn các cô giáo, tôi có để ý đến một bạn bằng tuổi tôi, cứ ngồi mãi một góc không thấy đứng lên, tôi đến hỏi thì biết hóa ra cô ấy đang viết note cho các em học sinh, cứ cặm cụi viết từng chữ với lý do thích viết, muốn để lai cho các em kỉ niệm. Tôi bỗng thấy, đôi khi, việc làm tình nguyện của chúng tôi, chỉ cần có được niềm vui từ chính những thời khắc như vậy là đủ.
Trở về, tôi vẫn lại lạc đường, nhưng sao thấy con đường này dễ đi hơn hẳn, nhẹ nhàng hơn hẳn mặc dù đang đạp xe ngược chiều gió. Có lẽ, là lòng tôi nhẹ, nhẹ bởi mọi suy tư áp lực tính toán đều tan biến mất sau những nụ cười non nớt ngây thơ đáng yêu của các em.
Giờ thì tôi đã hiểu, vì sao những tình nguyện viên nhóm Teaching- Volunteer House Vietnam của chúng tôi, dù ngày mưa hay ngày nắng, dù chẳng được bất cứ sự trả công nào thì vẫn cứ từng tuần từng tháng mang con chữ đến với các em.
Thanh Tuyết